Với các chuyên gia ẩm thực, bánh thốt nốt của người Khmer bán ở chùa Hang – Kiên Lương là sản phẩm của sự tinh tế. Bánh là sự kết hợp hài hòa từ những nguyên liệu đặc sản đặc trưng của địa phương.
Du khách đến chùa Hang được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ, nay trở thành đặc sản. Chỉ có bà con Khmer mới có thể làm ra chiếc bánh ngon và đậm đà hương vị.
Cách làm bánh thốt nốt tương tự như bánh bò của phụ nữ Nam bộ. Vẫn là bột gạo, đường cát, nước dừa nhưng bánh thốt nốt có thêm nguyên liệu từ trái thốt nốt già. Cái thốt nốt già được chà vào rổ cho nhuyễn. Bà con lấy luôn nước để trộn vào bột gạo làm bánh. Bột được chọn làm từ những loại gạo ngon, thường là gạo lúa mùa để bột có độ dẻo thơm. Gạo được rút nước cho sạch cám rồi xay nhuyễn để ủ qua đêm.
Sau đó, người ta cho đường cát, một ít muối tạo vị vừa ngọt cho bánh, một ít nước cốt dừa tạo vị béo. Màu bánh tự nhiên bởi trái thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt. Bánh được gói trong lá chuối, tạo hình chữ nhật, bên trên rắc sợi dừa. Bánh hấp trên xửng, khi giở nắp ra tỏa ra mùi thơm nồng nàn, kích thích miệng tiết nước bọt thèm thuồng. Bánh để nguội, ăn càng ngon.
Bánh thốt nốt thường xuyên có mặt tại các kỳ ẩm thực dân gian hoặc các lễ hội ẩm thực lớn trên cả nước. Bánh thốt nốt cũng được nhiều thực khách đón nhận. Ăn thử một cái, khách muốn mở ngay cái thứ hai để ăn tiếp. Đến chùa Hang-hòn Phụ Tử, nhiều du khách mua vài chục cái, có khi cả trăm cái về làm quà… Hiện nay, Kiên Giang đã được sự hỗ trợ của Tập đoàn xi măng Holcim bảo tồn nghề làm bánh này ở địa phương vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo được sản phẩm ẩm thực độc đáo đặc trưng địa phương phục vụ du lịch…