Đi vòng chợ Châu Đốc mới thấy hết được cách ăn món bông điên điển sống của bà con ở miệt này. Đầu tiên là món bún nước lèo kiểu Sóc Trăng, kiểu người Khờ Me hoặc bún mắm kiểu cách VN, ăn với bông điên điển.
Múc một tô bún nước lèo hay bún mắm đang sôi trong xoong cho vào tô trộn với bông điên điển, cho thực khách một món ăn dân dã, đạm bạc, đơn sơ, nhưng hương vị độc đáo, không tìm đâu có được. Hoặc theo chân dân thổ địa về nhà thưởng thức món lẩu chua với bông điên điển thì mới biết thêm cách ăn mới lạ nữa, mà trong đời bạn chưa hề ăn, chưa hề biết.
Mùa bông điên điển là mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Con cá linh trời cho, mùa này theo con nước đổ về nhiều vô kể. Chọn con cá linh vừa phải, cỡ bằng ngón tay, nấu một lẩu nước me chua, nêm nếm vừa chua, vừa cay, vừa ngọt, cho cá linh vào. Thế là ta có một nồi lẩu cá linh đầu mùa hết sẩy luôn!
Trên bàn bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, tha hồ bạn nhúng lẩu… Chỉ độc nhứt bông điên điển thôi, nếu kèm theo thêm loại rau sống khác sẽ làm mất mùi ngon của bông điên điển. Gắp con cá linh, chấm nước mắm trong, loại ngon, cắn thêm trái ớt cay… đó là món ngon tổ tiên thời khai hoang, truyền lại cho ta.
Ngon hơn nữa phải có vài ba người bạn “tâm đầu ý hợp”, thù tạc bên ly rượu đế – nước mắt quê hương – thì buổi tiệc kéo dài qua đêm. Ngoài ra món bông điên điển tươi còn được dùng để xào tôm, xào tép hoặc nấu canh chua, cho ta bữa cơm ngon, đầy hương vị đồng quệ Vào mùa này, các gánh bánh xèo cũng dùng món bông điên điển để chiêu dụ khách hàng. Ăn bánh xèo với bông điên điển ngon đến đổi no hồi nào mà ta không hay, không biết!