Quốc gia nào cũng muốn và cần nước, nhưng nếu Trung Quốc và Lào cứ chặn dòng Mekong làm thủy điện thì người miền Tây sẽ mất lũ.
Miền Tây là khúc cuối của dòng sông Mekong và người dân nơi đây cần nước để tưới tiêu bắt cá. Nhưng giờ đây các quốc gia Trung Quốc, Lào lại chặn dòng nước để làm thủy điện. Hành động này có thể khiến người miền Tây mất lũ…
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước. Nhà tôi nằm ngay cạnh quốc lộ, phía bên kia lộ là một con sông lớn. Sau nhà là vườn, ao, và cuối cùng là ruộng lúa. Hằng ngày, người lớn thay nhau đi xách nước bên sông về lóng phèn để dùng vì phù sa nhiều quá, nước lúc nào cũng đục ngầu.
Con sông bên kia lộ là nơi êm đềm nhất trong tuổi thơ của tôi. Bọn trẻ miền Tây ai cũng biết bơi lội, không thì khả năng là vắn số. Ngày ngày hai con nước lên xuống, lúc nước lớn thì trẻ con đập đùng té nước ầm ầm, người lớn thì xách nước ở cái bến xa, ghe xuồng tắc ráng chạy nhanh cho kịp con nước.
Mấy chiếc ghe chở trái cây là niềm vui lớn nhất của bọn trẻ. Không biết vì lý do gì mà trẻ con luôn thích lội gần tới mấy chiếc ghe đó, làm người trên ghe phải la lên “tụi bây tránh ra, không bị chân vịt cuốn vô bây giờ.” Có người thực tế hơn, lấy một chùm chôm chôm hay trái khóm quăng thật xa hướng về phía bờ, làm lũ trẻ quay lại bơi về bờ mà không gây nguy hiểm.
Dọc hai bờ sông thỉnh thoảng lại có một cái “nhà sàn” được dựng lên. Các nhà đó thường chưng biển bán xăng cho ghe máy, sạc pin, hay là bán phân bón thuốc trừ sâu. Người miền Tây sống liền với con nước nên buôn bán trên sông là tất nhiên.
Mùa nước nổi là không thể thiếu, và đối với bọn con nít thì càng vui gấp bội. Nước ngập vô nhà thì phụ ba mẹ dọn đồ đạc lên cao. Buổi tối ngủ, thức dậy thì phải đốt đèn lên trước coi nước có lên không rồi hãy xuống sàn nhà.
Bông súng, điên điển, cá linh là những thứ mà cứ tới mùa nước nổi lại đầy ra. Tôi kho mắm thì nhất định là phải có bông súng. Rau điên điển làm bánh xèo thì mới vui, mà bánh xèo thì phải thật nhiều rau. Còn mấy thứ rau lặt vặt mùa nước nổi như rau ngổ, rau nhút, hay rau muống nước thì bao nhiêu cũng có. Cá linh là thứ mà tôi ghét, vì nhiều xương.
Tôi đã xa quê hơn mười mấy năm. Khi tôi mới sang Australia, tôi chỉ biết cách chạy lũ chứ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chạy lửa. Mùa hè đầu tiên ở Australia, người ta kêu gọi tình nguyện đi cứu lửa, còn tôi thì thầm nghĩ là ở quê mình nhiều nước, có bao giờ lại cháy khiếp đảm thế này.
Vậy mà giờ đây miền Tây lại đói lũ. Ngày trước chúng tôi được nghe tuyên truyền là nên sống chung với lũ, còn cười bảo nhau là “hết chuyện rồi mới nghĩ ra được điều này”. Bây giờ chỉ nghe không còn mùa nước nổi là đã sợ thẫn thờ.
Tôi đâu có bao giờ quên được những đồng nước trắng xóa, những mẻ cá trắng lấp lóa trên lưới chày, hay dòng sông đầy lục bình mà chúng tôi đi “bắt” về cho vịt ăn. Còn những thứ như cá lóc đồng nấu canh chua, cá trê đồng chiên nước mắm me, bún riêu cua đồng, thậm chí là cá bống hay cá rô kho tộ chắc là cũng sắp trở thành hàng hiếm.
Những khó khăn của người dân miền Tây khi lũ không về thì đã rõ. Còn làm sao để lũ về thì không ai rõ. Đối với Lào, cách dùng sông Mekong tốt nhất là thủy điện. Còn với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia thì nước để tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp là quan trọng. Còn Trung Quốc ở tận thượng nguồn thì thủy điện cũng là thứ mà họ cần.
Tôi tìm kiếm thì ra một hiệp định về việc quản lý tài nguyên nước sông Mekong mà các nước liên quan đã ký. Đáng tiếc là Trung Quốc không có mặt trong hiệp định này. Vì sao như vậy thì tôi vẫn chưa rõ, nhưng những hiểu biết về pháp lý có lẽ trước mắt không giúp gì được cho người dân miền Tây. Còn về lâu dài thì làm sao Việt Nam có thể tránh được tình cảnh phải đi “xin” Trung Quốc xả lũ? Đấy là chưa kể tới Lào, nước có nhiều đập thủy điện trên sông Mekong. Nhiều cố gắng đã được tiến hành, nhưng hiệu quả để đưa được nước về miền Tây thì đến nay vẫn còn nhỏ giọt.