Như chúng ta đã biết mùng 5 tháng Năm âm lịch là Tết Đoan Ngọ. Theo phong tục, ở nước ta, người Việt gọi Tết Đoan Ngọ là Tết “giết sâu bọ”. Đoan là mở đầu; Ngọ là giữa trưa, nắng nhiều. Theo lịch nguyên thủy, tháng NGỌ là tháng giữa năm, khí dương thịnh như mặt trời giữa trưa nên còn gọi là Tết Đoan Dương.
Nếu như Tết Nguyên Đán là Tết khởi đầu cho một năm thì Tết Đoan ngọ là Tết khởi đầu cho một mùa vụ. Vào những ngày này tiết trời oi ả nóng nực, nhiều bệnh tật phát sinh, nhất là bệnh thời khí nên bà con có tục tắm nước lá mùi để xua đuổi bệnh tật, treo ngải cứu trước nhà và đeo bùa cho trẻ con để trừ tà. Ngoài ra còn có tục bôi hồng hoàng vào trán, ngực và rốn trẻ em lúc còn đang ngủ để phòng trừ bệnh tật do côn trùng gây ra.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, năm nào tới ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch, mẹ tôi cũng ngâm nếp gói bánh tét và bánh ú nước tro mang ra chợ bán. Ngoại tôi thì ra sau vườn bứt mấy loại lá thuốc như ngải cứu, ngò gai, hương nhu, lá sả…đem về phơi khô để dành sử dụng khi cần. Đến lúc mặt trời đúng ngọ ngoại tôi lại bảo con cháu ra nhìn mặt trời cho sáng mắt. Ngoài ra, ngoại tôi còn tìm đến các ông thầy pháp trong làng thỉnh những lá bùa buộc dây ngũ sắc về đeo vào cổ lũ trẻ chúng tôi, bảo đó là bùa hộ mạng. Lúc đó, tôi còn thơ dại, chưa hiểu biết gì. Sau này lớn lên tôi mới nghiệm ra rằng ông bà mình thật tinh tế trong vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ môi trường.
Hiện còn nhiều lý giải khác nhau về Tết Đoan Ngọ. Có người cho rằng người Trung Quốc lấy ngày Khuất Nguyên qua đời để tỏ lòng thương tiếc một vị quan thanh liêm, chính trực. Năm nào tới ngày giỗ ông, người dân cũng mang ba vắt cơm xôi, bánh trái ra bờ sông hoặc làm bánh thả xuống sông Mịch La để cúng vái ông. Nhằm tránh các loài thuỷ quái ăn đồ cúng, nhiều người đã dùng lá tre và chỉ màu năm sắc buộc thức ăn hoặc cho gạo vào ống tre trước khi ném xuống nước. Chính vì vậy mà sau này các thầy phù thủy mới dùng chỉ năm sắc làm bùa đeo cho trẻ nít để trừ tà ma.
Ngoài ra còn có sự tích Lưu Thần – Nguyễn Triệu lên núi hái thuốc vào dịp Tết Đoan Dương rồi kết duyên với hai tiên nữ đã tạo nên nhiều huyền thoại ly kỳ như việc chư tiên truyền phép lạ cho cây cỏ vào giờ Ngọ, nếu hái vào giờ đó dược tính sẽ linh nghiệm. Truyền thuyết đó mãi cho đến hôm nay vẫn còn đọng lại trong một góc tâm hồn của những người hành nghề đông y ở Việt Nam.
Đặc trưng của Tết Đoan Ngọ Việt Nam là hướng về cội nguồn, về cộng đồng. Ngày Tết ông cha ta thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui. Cho nên ca dao có câu:
“Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm“.
Thời xa xưa, một vài địa phương ở nước ta đã có sáng kiến nhuộm móng tay móng chân vào ngày mùng 5 tháng Năm để ngừa sâu bọ. Ngoài ra, nhiều gia đình còn hái lá mùng năm (bất cứ lá gì) nhưng thường là ngãi cứu, ích mẫu, lá vối …đem về nấu nước tắm, đồng thời uống các loại rượu nếp và ăn các loại trái cây như mận, đào…cho là để giết sâu bọ. Cũng vào ngày này, các lương y thường lên núi hái thuốc đem về bào chế, nấu dầu phong hoặc phơi khô để dành.
Các tỉnh ven biển, không ít người chọn đúng giờ ngọ ra tắm biển như một ngày hội. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, một số bà con lại gói bánh ú nước tro cho con cháu ăn và nấu rượu nếp than để uống với hy vọng suốt năm sẽ khỏe mạnh.
Hiện nay, nhiều nơi vẫn tổ chức đón Tết Đoan Ngọ, vẫn gói bánh ú nước tro nhưng hình thức khác xưa. Một số lễ tiết có ý nghĩa nhân bản được duy trì và nâng lên thành một giá trị mới như tổ chức tham quan, du lịch về nguồn, hái thuốc, phát thuốc, tết Thầy thuốc, cúng tổ, mừng mùa màng thắng lợi …
Tại cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách – Sóc Trăng; cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt – TP. Cần Thơ; huyện Chợ Lách – Bến Tre và nhiều địa phương khác đã chọn mùng 5 tháng Năm để tổ chức Ngày hội sông nước miệt vườn; Lễ hội vườn cây Tân Lộc; Ngày hội Cây – Trái ngon, an toàn …mỗi nơi thu hút hàng vạn khách tham quan.
Trong cuộc sống sôi động và bộn bề hiện nay, vậy mà Tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong xu thế phát triển của thời đại và mang nét đặc sắc riêng của người Việt Nam. Có thể nói đây là một hằng số trong đời sống văn hoá tâm linh của con dân nước Việt. Tổ chức tốt các ngày này, coi như chúng ta đã duy trì được cái không gian thiêng, nâng cao ý thức về cội nguồn và mãi mãi tự hào với nền văn hoá dân tộc.