Mỗi năm ĐBSCL có một mùa nước nổi từ thượng nguồn đổ về theo chu kỳ cố định từ tháng 6 đến tháng 12. Đầu mùa, nước nổi tràn đồng, cá linh non và nhiều loài cá nước ngọt khác cũng lên đồng sinh sôi nảy nở. Sau vài tháng ở lại trên đồng, lũ cá non lớn lên và thành cá già.
Khi gió bấc liu riu thổi lạnh báo hiệu nước trên các cánh đồng bắt đầu rút xuống các kinh rạch, và cá từ đồng cũng theo đó ra sông tiếp tục cuộc hành trình tìm về thượng nguồn. Dân quê gọi là “mùa cá ra”. Đây cũng là lúc khắp những miệng kênh, vàm, rạch và cả ngoài sông sâu đâu đâu cũng thấy dân chài lưới ì xèo. Người mua, kẻ bán chộn rộn suốt ngày trên các tuyến kênh lớn, chẳng khác nào mùa lễ hội.
Mùa cá ra kéo dài cả tháng và rộ nhất vào hai con nước kém (mùng 10 và 25/10 âl ). Thu nhập từ đánh bắt cá cao gấp chục lần thời điểm bình thường. Còn lượng cá bắt được nhiều vô kể, nếu để làm khô, làm mắm và nấu nước mắm ăn một năm trời chưa hết
Dưới sông xuồng ghe tấp nập. Người bắt cá, kẻ thu mua rộn rã. Tiếng gọi ý ới hỏi thăm nhau thu hoạch khá không hay báo cho nhau cá đang ra tập trung cứ ồn ả từng khúc sông. Già, trẻ, lớn, bé với đủ loại phương tiện đi lại và đủ kiểu bắt cá.. Khúc hòa tấu trên sông mỗi lúc càng sôi động, từ lúc mặt trời chưa mọc đến cuối buổi hoàng hôn.
Đám trẻ thì ngồi trên các bè cá, bờ sông, bờ kênh.. mà câu. Người thì làm dớn, làm vó, làm chà rào, đặt lọp, kéo bò, đặt bôn, chài, người thì sắm câu lỡ, lưới giăng, lưới đăng mé, lưới thả, cất đống chà, chài rê, đóng đáy, sắm ghe cào…
Tùy vào mùa nước nổi nhiều hay ít, mùa cá ra cũng có thay đổi. Nếu nước nhiều, khi cá ra sẽ ra nhiều đợt và số lượng nhiều, đa dạng. Nhiều nhất là đám “cá trắng” như cá linh, cá dảnh, cá mè dinh, cá he, cá ét, cá mè hôi… Kế đến là tôm càng xanh, cá bống tượng, cá hô đất, cá ngựa, cá chài, cá leo, cá lăng, cá chốt, cá ngát, cá cóc…
Mùa cá ra cũng là mùa làm nước mắm cá linh. Nhà nào ít người thì ủ một khạp, nhà nào đông thì ủ hai, ba khạp ăn giáp năm.
Sông Cửu Long bao đời nay vẫn điều hòa, nhu thuận như vậy. Nước nổi về mang phù sa cho đồng ruộng, nước rút đi để lại lớp bùn đầy dưỡng chất cho vụ mùa tươi tốt. Nước càng lớn lúa càng trúng, cá càng nhiều…
Bao mùa cá ra cũng đã trôi dần theo ký ức, mai này ai còn nhớ những mùa cá ra nhộn nhịp của những ngày…cách nay chưa xa lắm?
(Sưu tầm internet)