Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về định hướng phát triển TP. Cà Mau trong tương lai, ông Phạm Bạch Đằng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Bí thư Thành ủy Cà Mau khẳng định, Thành ủy, UBND TP. Cà Mau cùng mọi tầng lớp nhân dân sẽ đồng tâm hiệp lực, nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020, Thành phố sẽ trở thành đô thị loại I.
Thưa ông, qua 15 năm xây dựng và phát triển song hành cùng thời kỳ đổi mới đi lên của đất nước, TP. Cà Mau đã đạt những thành tựu ấn tượng nào trong phát triển kinh tế – xã hội, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của đô thị cực Nam của Tổ quốc?
TP. Cà Mau được thành lập ngày 14/4/1999 (theo Nghị định 21/1999/NĐ-CP của Chính phủ), trên cơ sở diện tích và dân số thị xã Cà Mau, gồm 15 đơn vị hành chính xã, phường.
Ông Phạm Bạch Đằng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Bí thư Thành ủy Cà Mau |
Có thể nói, đây là bước ngoặc rất quan trọng, không chỉ cho địa phương và tỉnh, mà còn có sức lan tỏa về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch; liên kết vùng; liên kết đô thị trong tổng thể quy hoạch chung của các tỉnh vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.
Đồng thời, đây cũng là dấu ấn khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền nhằm phát triển nhanh và bền vững các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Cà Mau; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trên thực tế, TP. Cà Mau đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; là một trong 4 đô thị động lực của vùng; là đô thị hạt nhân vùng Tây Nam; thủ phủ hàng đầu về ngành chế biến xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho các tuyến du lịch về thăm các di tích lịch sử, khu du lịch nghỉ dưỡng và khu dự trữ sinh quyển quốc gia mũi Cà Mau…
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố bình quân đạt 16,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 59 triệu đồng/năm (tương đương 2.805 USD/năm), tăng gấp 6 lần so với năm 1999; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 27.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 29,07%; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn.
Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị được TP. Cà Mau tập trung chỉ đạo triển khai ra sao, nhằm đảm bảo hài hòa việc mở rộng không gian kiến trúc, mỹ quan đô thị, song phải gắn liền với định hướng quy hoạch chung của tỉnh, vùng và hệ sinh thái môi trường bền vững, thưa ông?
Hiện tại, công tác phát triển đô thị của từng địa phương cần phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch của vùng, miền; đi liền với quy hoạch đảm bảo môi trường sinh thái, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng phức tạp. TP. Cà Mau cũng nằm trong xu thế tất yếu đó. Do vậy, thời gian qua, TP. Cà Mau đã tập trung xây dựng quy hoạch không gian đô thị theo hướng mở rộng, gắn với chỉnh trang nâng cấp, nhờ đó, diện mạo của Thành phố không ngừng thay đổi.
Thành phố đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí và được Chính phủ công nhận đô thị loại II vào tháng 8/2010.
Để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với môi trường, mỹ quan đô thị, đến nay, TP. Cà Mau quy hoạch phát triển 3 cụm – tiểu thủ công nghiệp (quy mô 419 ha), đồng thời hoàn thành việc xây dựng đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố ra khu quy hoạch tập trung; tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho xây dựng phát triển đô thị đạt 25.355 tỷ đồng (trong đó, các nguồn lực ngoài ngân sách chiếm trên 80%).
Đặc biệt, TP. Cà Mau đã chủ động phối hợp với tỉnh rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển Thành phố: triển khai Quy hoạch Phát triển TP. Cà Mau đến năm 2025; Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020; điều chỉnh Quy hoạch Phát triển TP. Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, cụ thể hóa trên 70 đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, khu vực chức năng với tổng diện tích trên 19.400 ha (chiếm trên 82% đất đô thị).
TP. Cà Mau có đầy đủ dáng dấp của một đô thị hiện đại |
Theo ông, trong phát triển kinh tế – xã hội, TP. Cà Mau cần khắc phục những hạn chế, tồn tại gì và phát huy những ưu điểm nào trong thời gian tới?
Bên cạnh những thành tựu cơ bản của TP. Cà Mau là hết sức quan trọng, nhưng theo tôi, đó mới chỉ ở bước đầu, do xuất phát điểm của TP. Cà Mau còn thấp, nên những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục sớm trong thời gian tới. Cho dù có nhiều cố gắng đầu tư phát triển, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu đồng bộ, trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu, tốc độ tăng trưởng nhanh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Ngoài ra, do chậm đầu tư đổi mới công nghệ, nên sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trên địa bàn làm ra chưa cao…
Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ phát triển thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền TP. Cà Mau cần nêu cao hơn nữa tinh thần tiến công bằng tất cả ý chí và nội lực, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thử thách, huy động mọi nguồn lực, sự hỗ trợ từ tỉnh, bộ, ngành cấp trên, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước cho đầu tư phát triển thành phố, theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với quy hoạch tỉnh, vùng và lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, cũng cần có những chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển Thành phố mang tính đột phá, đổi mới sâu rộng hơn nữa, góp phần làm chuyển biến rõ nét tình hình, tạo niềm tin và khơi dậy nhiều phong trào thi đua, hành động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.
Nhằm định hướng xây dựng và phát triển TP. Cà Mau đến năm 2020, Đảng bộ và chính quyền thành phố cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để xây dựng phát triển TP. Cà Mau xứng với tiềm năng, thưa ông?
Thành phố sẽ tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Cà Mau và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, phấn đấu hoàn thiện tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015 và cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.
Với vai trò là đô thị hạt nhân của vùng Tây Nam Bộ, TP. Cà Mau sẽ nỗ lực tăng tốc, phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt trên 14%, tỷ trọng thương mại – dịch vụ đạt 70%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 124 triệu đồng/năm.
Thành phố phát triển kinh tế theo cơ cấu “thương mại dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp”, với tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc đẩy mạnh đô thị hóa vẫn được xem là yếu tố cơ bản hàng đầu cho tăng tốc, thu hút đầu tư phát triển và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, TP. Cà Mau sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả điều chỉnh Quy hoạch tổng thể năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, tiếp tục quy hoạch các cụm dân cư các xã vùng ven.
Việc triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ bản cũng sẽ điều chỉnh theo hướng tập trung vốn ưu tiên cho các công trình trọng điểm, các khu đô thị mới và các khu chức năng.
Ngoài ra, Thành phố sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện đồng bộ các dự án đã được duyệt, nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm thương mại – dịch vụ, phát triển mô hình du lịch sinh thái, khẩn trương xây dựng, sớm đưa vào hoạt động các khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung của Thành phố; khuyến khích và tạo cơ chế thông thoáng hơn cho thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương: chế biến thủy sản xuất khẩu, ngành nghề truyền thống, vật liệu xây dựng, cơ khí, dịch vụ vận tải, du lịch và các dịch vụ thiết yếu khác.
Huy Tự