Trên con đường dọc theo vườn nhãn, có nhiều quán chuyên bán bánh xèo, quán là những dãy nhà lợp lá nằm dưới những vòm nhãn cổ thụ. Quán nối quán, chừng chục quán, bán từ 10 giờ sáng đến 20 giờ đêm. Bàn nối bàn san sát trong bóng mát những mái lá liền nhau rợp cả khu vườn nhãn. Bên cạnh bàn ăn là hàng hàng lớp lớp võng, treo tòn ten giữa hai thân nhãn cổ thụ, khách nằm hoặc thư giãn trên những chiếc võng mà chủ quán mắc sẵn, tận hưởng làn gió biển mát rượi và nghe âm thanh “xèo xèo” vui tai để chờ thưởng thức món bánh xèo. Nhiều người giới thiệu cho nhau đến Giồng Nhãn thưởng thức bánh xèo ở đây, lâu dần thành thương hiệu: “Bánh xèo Giồng Nhãn”.
Bánh xèo ở đây hấp dẫn bởi bột bánh xèo mềm, dẻo vừa độ, quyện mà không dính hết khi được xay bằng cối đá. Lại nữa, bánh ngon còn nhờ được tráng khéo, cắn miếng nào, chỗ nào cũng nghe vỏ bánh nổ giòn trong răng, nhân bánh được làm bằng thịt nạc, tép bạc, đậu xanh, giá, củ sắn và hành tây. Tép xứ này khỏi nói, vị ngọt mặn ngất ngây vị giác, được vậy là nhờ vị mặn biển Bạc Liêu. Rau sống trồng đất giồng giòn thơm, với xà lách, cải xanh, húng quế, diếp cá, rau húng lủi… Ngoài các loại rau kể trên, còn có các loại rau vườn như: đọt xoài non, đọt cóc, đọt bằng lăng, đọt mọt, đọt lá cách, đọt cơm nguội, đọt sung non, tía tô, mã đề, kim thất,… Đây là những loại rau bình dân nhưng tạo nên sự lạ miệng và thú vị với nhiều du khách, đây còn là những vị thuốc quý mà lại rất hợp với bánh xèo. Rồi chén nước mắm được pha chế khéo, vừa mặn, chua vừa ngọt vừa nồng cay vị tỏi ớt… Gắp một miếng bánh vàng, nhẹ nhàng cuốn với lá cải xanh, xà lách thêm vài chiếc lá dấp cá, rau thơm… rồi chấm vào chén nước mắm chua ngọt màu đỏ. Bánh xèo ăn khi còn nóng tan giòn nơi đầu lưỡi, béo tận chân răng. Mùi thơm nghi ngút của bánh, vị ngòn ngọt của tôm và nước chấm quyện trong hương nhãn đầu mùa khiến du khách không thể nào quên.