Trò chơi của trẻ em trong vùng rừng dừa – sông nước Bến Tre

Trò chơi và đồ chơi là một trong những nhu cầu sinh hoạt của mỗi cộng đồng. Có nhiều trò chơi khác nhau. Có trò chơi dành cho người lớn, có trò chơi dành cho trẻ em.

Các trò chơi của trẻ em vốn có truyền thống lâu đời luôn gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng xã hội. Có trò chơi góp phần rèn luyện sức khỏe, có trò chơi giúp cho trẻ phát triển được trí tưởng tượng, khéo tay, giáo dục tình yêu quê hương, yêu lao động, gắn bó thương yêu lẫn nhau và có ý thức xây dựng cộng đồng.

Trẻ em ở miệt vườn dừa – sông nước Bến Tre có nhiều trò chơi thú vị.

 

Tết con giống từ lá dừa: Nhiều trẻ khéo tay thi nhau thắt cào cào, châu chấu, đồng hồ, máy bay, nhẫn, con rết, con chim… treo lủng la lủng lẳng trong nhà chòi. Chúng còn làm chong chóng thi xem của ai quay nhanh hơn. Ngoài ra chúng còn có trò chơi ta có thể gọi là một loại “âm nhạc xanh”, tức trò chơi thổi kèn làm từ lá dừa hay lá chuối.

Tết lá dừa thành hình những con vật hay đồ dùng là một nghệ thuật độc đáo rất phổ biến ở xứ dừa. Người tết lá dừa có kinh nghiệm có thể tết thành nhiều món đồ chơi kỳ lạ hoặc trang trí đám cưới. Đây là một kiểu chơi phát huy được trí sáng tạo mà trẻ em thường bắt chước lẫn nhau hoặc học hỏi từ người lớn.

37

Trong dân gian có nhiều người rất giỏi tết lá và trở thành những nghệ nhân. Họ có thể biểu diễn tết các con giống trong các hội chợ, lễ hội hoặc đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Dòng nghệ thuật độc đáo này được trẻ em yêu thích. Trò chơi tuy giản dị nhưng mở ra cho trẻ cả một chân trời sáng tạo. Chúng ta cần sưu tầm, phát huy và có thể đưa môn tết lá dừa vào chương trình học thủ công trong nhà trường để giáo dục thẩm mỹ cho các em.

 

Chơi “nhà chòi”: Các em nhỏ thường rủ nhau chọn vườn nhà nào đẹp, nhiều cây trái, ở xa nhà một chút để chơi “nhà chòi” và  được tự do đùa giỡn. Đây là một trò chơi phổ biến, sẵn cây lá trong vườn chúng xúm nhau cất một cái nhà nhỏ xíu bằng lá dừa, bẹ dừa rồi bày hàng, nấu nướng, các em gái lấy đất nắn “ông táo” để nấu ăn, lấy gáo dừa làm nồi, nhiều khi không có gì chúng chỉ ngắt lá bồ ngót, vớt cá lìm kìm dưới mương rạch chế biến thành “món canh”. Nhưng nấu để chơi không phải để ăn. Tuy vậy, vẫn giả bộ ăn rất ngon lành. Có em lấy hai quả vú sữa khoét ruột cắt nắp, ghim hai ống trúc giả làm dụng cụ kháp rượu trông rất xinh xắn, cũng có “rượu” chảy ra được hứng cẩn thận, kẻ bán người mua trả tiền như thật, lấy lá cây giả làm tiền.

Trò đánh trận giả: Bọn con trai thích trò chia phe đánh trận giả. Súng đẽo bằng bập dừa, chót lá dừa làm lá ngụy trang, lấy quả dừa non làm lựu đạn, cũng bên địch bên ta, cũng có kèn lá dừa thúc quân inh ỏi.

38

 

Đánh trận không phải là trò chơi bạo lực, trẻ em khắp nơi nhất là các em trai thường vẫn ham mê trò chơi này. Bao người con Bến Tre anh hùng cũng đã trưởng thành và lập nên chiến công mà có lẽ những cuộc tập dượt từ đầu đời này đã tạo nên một bản lĩnh làm nên khí phách của những người con anh hùng ấy.

 

Trò chơi ném dừa: Trò chơi này trẻ lấy quả dừa non cặm vào cọng dừa làm tua “còn”. Ai ném còn đi xa nhất sẽ giành phần thắng .

Rước đèn trung thu: Đêm trung thu trẻ em nông thôn xứ dừa thường dùng gáo dừa gắn đèn cầy (nến) hoặc đốt bằng trái mù u, rủ nhau đi khắp xóm, hồn nhiên vui vẻ, không cần các loại đèn lộng lẫy, cao sang của trẻ em thành thị.

 

Trò chơi đám cưới: Trẻ em thường tổ chức đám cưới giả rất linh đình. Chúng phân chia bên trai bên gái, nhà chòi bằng lá dừa được trang hoàng hoa lá nhiều sắc màu, đưa dâu, đón rể tưng bừng. Có hôm tổ chức vẽ mặt vẽ mày thi ca cải lương, có khi lấy sống dừa đẽo gươm, lấy dây chuối nai nịt bắt chước gánh hát tập tuồng inh ỏi. Trò chơi này là lối bắt chước người lớn nhưng nó làm các em thêm gắn bó và thân yêu nhau, tạo nên một tình làng nghĩa xóm, một nhân cách ứng xử lâu bền trong suốt cả cuộc đời chúng sau này.

 

Trò chơi dưới nước: Khi gặp con nước lớn buổi trưa trẻ em thường rủ nhau đi tắm sông. Lúc nước còn cạn chúng chia phe ném bùn. Khi nước đầy chúng leo lên những nhánh bần vươn ra sông hoặc những thân dừa quỳ mà nhảy ùm xuống sông. Những đứa còn bé quá cũng theo đàn anh đi tắm nhưng chỉ dám ôm trái dừa khô chập chũm bơi trong mé bờ dưới sự giám sát của một đứa lớn được phân công chăm sóc.
Trò chơi dưới nước tạo cho trẻ em vùng sông nước thích ứng với môi trường sông nước. Hiếm có trẻ em vùng này mà không biết bơi. Bơi lội là một trong những nhu cầu không thể thiếu của những cư dân trong vùng sông nước Bến Tre này. Trò chơi sông nước giúp các em rèn luyện thân thể và lòng dũng cảm. Quen với sông nước từ nhỏ nên lớn lên chúng có thể dễ dàng tham gia vào những nghề sông nước như vận tải đường sông, ra khơi đánh cá… Trò chơi dưới nước như thi bơi, đua ghe là một nội dung hấp dẫn trong các lễ hội hay hoạt động du lịch ở xứ dừa.

Trò chơi dân gian như quấn kèn lá, thắt con giống, đi trên gáo dừa tiếp sức, vẽ tranh trên gáo… tổ chức ở những lần lễ hội, Festival dừa được các em tham gia hào hứng, nhiệt tình, thật sự là sân chơi bổ ích, khơi nguồn sáng tạo của trẻ em xứ dừa.

 

Trò chơi trẻ em trong mỗi vùng miền là tập hợp những sắc thái văn hóa cần phải gìn giữ và phát triển. Ngày nay, với nhiều trò chơi ngoại nhập đang ồ ạt vào tận hang cùng ngõ hẻm của đời sống. Nhiều trẻ em mải mê với các trò chơi điện tử hay trò chơi bạo lực vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn kém tiền bạc và có khi nguy hại đến nhân cách.