Lũ miền Tây thấp nhất trong 17 năm

Hiện tượng El Nino cùng việc tích nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do xây nhiều đập thủy điện đã khiến người miền Tây “đói” lũ.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ảnh: Cửu Long
Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ảnh: Cửu Long

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, trên sông tiền tại Tân Châu chỉ đạt 2,81 m; còn Châu Đốc 2,54 m; thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,2 m.

“Năm nay lũ rất thấp, nhiều khả năng kém cơn lũ năm 1998, “, ông Khương Lê Bình – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp nói và cho biết nguyên nhân là do năm nay hiện tượng El Nino mạnh dẫn đến khô hạn nặng nề. Trong khi các quốc gia ở thượng nguồn xây dựng nhiều đập thủy điện trên sông Mê Kông tích nước, càng hạn chế nguồn nước lũ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Đìu hiu làng nghề đan lọp cá linh ở cồn Cốc, An Giang. Ảnh: Cửu Long
Đìu hiu làng nghề đan lọp cá linh ở cồn Cốc, An Giang. Ảnh: Cửu Long

Lũ kém, nguồn lợi cạn kiệt, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đánh bắt cá, tôm… của người dân. “Đồng ruộng không được vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh, nhất là không được bồi đắp phù sa, đất sớm bạc màu. Vụ sau sẽ khó khăn hơn”, ông Trần Văn Năm, 65 tuổi, nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói.

Phó chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Nguyễn Văn Thao cho biết, mỗi mùa lũ trước đây người dân thu hơn 2.000 tấn cá tự nhiên nhưng năm nay chưa có gì. “Ngay những vùng trũng mà nước chưa tràn đồng thì làm gì có cá. Dân ở đây đang ngóng lũ không về”, ông Thao nói.

Cửu Long