Ao nổi tiếng miền Tây cạn trơ đáy, du khách sững sờ

Ao Bà Om là điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Trà Vinh nói riêng và miền Tây nói chung. Thế nhưng, hiện nay, địa điểm này lại cạn khô nước, nhìn thấy cả đất nứt nẻ.

Ao Bà Om còn được gọi là Ao Vuông (do hình dáng gần giống hình vuông), được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, nơi đây còn tổ chức các lễ, hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ như Chol-Chnam-Thmay, Dol-ta, Ok-om-bok…

Tuy nhiên, toàn bộ khu vực Ao Bà Om (có diện tích khoảng 1.500 m2) này đã khô cạn đến trơ đáy, có nhiều điểm đất bị nứt nẻ, những con cá trong ao còn sống sót đang thoi thóp, những cành sen đã khô héo chờ… giải cứu Trước cảnh tượng trên, nhiều người du khách đến đây cảm thấy sững sờ, thất vọng vì di tích này đã không còn vẻ đẹp vốn có của nó.

Phần lớn diện tích Ao Bà Om đã khô trơ đáy. Những vật dụng, rác thải dưới ao gây mất mỹ quan nơi di tích cấp quốc gia
Phần lớn diện tích Ao Bà Om đã khô trơ đáy. Những vật dụng, rác thải dưới ao gây mất mỹ quan nơi di tích cấp quốc gia
 Đáy ao khô đến nứt nẻ
Đáy ao khô đến nứt nẻ
Những cánh sen cầm cự sống từng ngày
Những cánh sen cầm cự sống từng ngày

Anh Thạch Lâm, ngụ tại TP.Trà Vinh, cho biết, trước đây, Ao Bà Om được nhiều khách đến chơi, tham quan nhưng bây giờ ít hơn bởi nơi đây trở nên khô cằn vì thiếu nước. “Những năm qua, người dân khắp nơi đến đây có cảm giác như đặt chân đến Đà Lạt (hơi nước dưới ao bốc lên, thêm vào đó là những luồng gió thổi nhẹ làm không gian trở nên mát mẻ) nhưng giờ thì không còn nữa”- anh Lâm chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Kha, ngụ ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa theo đoàn đến tham quan Ao Bà Om, nói: “Không hiểu sao, điểm du lịch này lại không còn nước. Ao mà không có nước thì không còn gọi là ao nữa. Nếu là di tích thì phải có những biện pháp khắc phục chứ!”.

 Nơi sâu nhất chỉ còn lại ít nước
Nơi sâu nhất chỉ còn lại ít nước

“Tôi cũng cảm thấy thất vọng, đi một chặng đường xa đến đây mà Ao Bà Om đã không còn là ao. Có đoạn khô đến nỗi người đi qua đi lại bình thường không sợ bị lún, rác thải có khắp mọi nơi, những cành sen thì đang chờ chết khô…” – anh Nguyễn Chí Linh, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh không khỏi sững sờ khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh, An Bà Om được hình thành do tự nhiên, không có nạo vét theo thời gian và do mưa ít nên dẫn đến tình trạng khô trơ ao. “Nó khô tự nhiên chứ không có gì đâu, do tự nhiên mà nên. Đây là di tích cấp quốc gia nên mình phải xin ý kiến của Bộ VHTTDL, nếu Bộ có ý kiến thì mình mới tổ chức họp các bên có liên quan rồi đưa ra đề án nạo vét. Hiện Sở VHTTDL vẫn chưa có báo cáo, kế hoạch gì. Thế nhưng, tình trạng khô cạn trên rất căng thẳng, gay gắt hơn các năm trước” – ông Trần Thanh Thưởng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh thông tin.